Tết- những ngày sum họp gia đình. Mọi tất bật, lo toan cuộc sống dần nhường chỗ cho những khoảnh khắc đoàn viên. Hơn lúc nào hết, đây chính là lúc những em nhỏ trong nhà được bố mẹ, ông bà chỉ dẫn những phong tục truyền thống tốt đẹp. Những giá trị về gia đình sẽ tưới mát và nuôi dưỡng tâm hồn của các em.
1. Giúp đỡ bố mẹ dọn dẹp, chuẩn bị quần áo mới
Năm hết Tết đến, gia đình Việt đều nôn nao dọp dẹp, trang hoàng nhà cửa sạch sẽ tinh tươm đón năm mới. Dịp này, ba mẹ có thể hướng dẫn cho các bé những công việc phù hợp với lứa tuổi như dọn dẹp đồ chơi, dọn tủ quần áo của trẻ, sắp xếp lại góc học tập, trang trí cây mai cây đào,…
Trước khi bắt tay vào công việc, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ cách làm, tránh các tai nạn do bất cẩn. Bên cạnh đố, bố mẹ cùng giải thích ý nghĩa của việc trang trí nhà cửa đón năm mới để các con hiểu hơn về ý nghĩa công việc mình đang làm. Những lời khen tặng của bố mẹ sẽ là động lực rất lớn để các con hoàn thành nhiệm vụ của mình.
2. Hướng dẫn trẻ chúc tết
Những lời chúc Tết luôn là gia vị không thể thiếu trong ngày Tết. Trẻ cần được bố mẹ hướng dẫn chúc Tết để phù hợp với hoàn cảnh, lời chúc cho ông bà, bố mẹ, thầy cô, hoặc anh chị em sẽ có đôi chút khác nhau. Nhưng tựu chung lại vẫn là cầu chúc những điều may mắn, tốt đẹp đến trong năm mới. Trong những lúc gia đình cùng nhau chuẩn bị Tết, trước khi đi ngủ, trong giờ ăn,… bố mẹ có thể khéo léo hướng dẫn cho bé.
3. Tục lì xì với trẻ em
Trẻ con luôn háo hức và mong chờ được nhận những bao lì xì ngày Tết. Để trẻ hiểu về ý nghĩa của tục lì xì, bố mẹ cần giải thích với trẻ việc lì xì như một lời chúc tốt lành đến trẻ. Lì xì thể hiện sự yêu thương và tấm lòng mong những điều may mắn cho trẻ trong năm mới. Các bé hãy mỉm cười và nói lời cảm ơn khi được nhận lì xì nhé.
4. Hiếu kính với ông bà, cha mẹ
Truyền thống uống nước nhớ nguồn được thể hiện rõ trong những ngày đầu năm mới qua các tục tảo mộ, cúng giao thừa, lễ chùa, hoá vàng,…
Việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất thể hiện tấm lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên. Đồng thời, bố mẹ hãy nói chuyện với các con về những khó khăn mà các thế hệ trước đã hy sinh, để gia đình có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó giúp trẻ dần nuôi dưỡng tấm lòng biết ơn.
5. Ý nghĩa của món ăn truyền thống
Tết không thể thiếu các món ăn đậm đà hương vị truyền thống như bánh chưng, mứt tết, dưa hành,… Tất cả đều mong năm mới no đủ, như ý, bình an. Không gì thú vị hơn khi trẻ được tự tay góp công vào thực hiện.
Một chiếc bánh chưng nho nhỏ được tự tay gói sẽ là chiếc bánh ngon nhất đối với bé. Mỗi món ăn là một ước nguyện gửi gắm, vậy nên bố mẹ đừng bỏ qua dịp này để cho bé học thêm nhiều điều thú vị nhé.