Động lực hay kỷ luật

Tại sao bạn đạt được việc mà không phải ai cũng có thể? Chạy full marathon 42km, đọc 52 cuốn sách một năm, dậy trước 5h mỗi ngày,… Điều gì nào khiến bạn vượt qua mọi rào cản để chinh phục mục tiêu ban đầu. Động lực hay kỷ luật?

  1. Tìm lý do tại sao

Một lý do đủ mạnh để bạn bắt đầu chuỗi ngày bền bỉ, kiên định với mục tiêu đề ra. Bạn muốn rèn luyện sức khoẻ để không phải vật vã mỗi khi chuyển mùa, muốn dành thời gian chất lượng cho bản thân vào buổi sáng thay vì phải nháo nhào ra đường vào buổi sáng,… Hãy vạch ra những lý do đủ sức nặng để bạn buộc phải hành động. Lý do càng quan trọng, động lực càng mạnh mẽ. Khi rơi vào tình huống ngặt nghèo, bạn sẽ bất ngờ về sức mạnh của bản thân mà bình thường khó có thể tưởng tượng được.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng động lực ban đầu là vai trò bước đệm, kích hoạt sức mạnh tiềm ẩn bên trong. Tuy nhiên, nguồn sức mạnh này chỉ mang tính tạm thời. Không thể giúp bạn duy trì được cố gắng lâu dài.

  1. Tập trung vào các hoạt động đơn lẻ

Bạn không thể làm tốt mọi việc cùng một lúc. Ưu tiên một việc mà bạn cho rằng nó quan trọng nhất. Bạn vừa muốn dành thời gian cho gia đình, vừa muốn phát triển sự nghiệp, còn muốn cuộc sống thảnh thơi,… điều này sẽ rất khó để bạn đạt được cùng một lúc. Hãy xác định xem tại thời điểm này, bạn ưu tiên công việc hơn hay gia đình hơn.

Bạn muốn đọc một cuốn sách mỗi tuần. Thì thời gian đầu bạn cần 2-3 tiếng đọc mỗi ngày. Sau 1-2 tháng, bạn đã có thói quen đọc, tốc độ đọc nhanh hơn thì có thể giảm thời gian đọc xuống. Nhưng vẫn đảm bảo số lượng sách đọc được. Thời gian tiết kiệm đó, bạn có thể bắt đầu cho việc quan trọng thứ 2, tập chạy bộ,… Cứ như vậy, mỗi thời điểm ta sẽ ưu tiên cho một việc. Biến nó thành một thói quen thành thục trước khi chuyển qua một mục tiêu tiếp theo. Mở rộng vùng kiểm soát của bản thân để đảm bảo dung hoà một hoạt động chính mà duy trì các hoạt động phụ khác.

  1. Lên kế hoạch cho sự cám dỗ

Cám dỗ bằng một cách thần kỳ nào đó luôn xuất hiện xuyên suốt trong quá trình ta chinh mục mục tiêu. Bạn bè rủ cà phê, nghỉ chạy 1-2 ngày thì có sao,… đây chính là những cám dỗ bạn sẽ phải vượt qua. Não bộ con người luôn hướng đến trạng thái thoải mái, an toàn, nhẹ nhàng nhất. Đó chính là bản năng được di truyền từ tôr tiên. Làm sao để “vượt lười” ?

Bạn cần xây dựng một kế hoạch phòng bị kiên cố. “Nếu….thì…” là một cách bạn có thể áp dụng. Nếu ngủ nướng hôm nay thì công sức dây sớm cả tuần sẽ tan biến, mình sẽ bắt đầu lại từ đầu. Nếu nghỉ chạy bộ một ngày thì mai chạy sẽ bị đau cơ hơn,…  Đây chính là một lời cảnh tỉnh, hình dung trước cái giá phải trả cho sự lười biếng nhất thời.

Uống đủ nước mỗi ngày, gấp gọn chăn drap sau khi thức dậy, ngủ trước 23h mỗi ngày,… nghe tưởng chừng như rất đơn giản. Nhưng nếu không có kỷ luật với bản thân thì bạn sẽ rất khó để đạt được mục tiêu ban đầu.